Thông tin An toàn điện - tiết kiệm điện chi tiết
CẢNH GIÁC NGUY HIỂM ĐIỆN TRONG MÙA LŨ
Đăng bởi | 9:40:47 AM | 25/10/2019

Nhân viên Công ty Điện lực TP Cần Thơ kiểm tra an toàn trên đường dây
Ông Nguyễn Công Lực, Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn – Bảo hộ lao động Công ty Điện lực TP Cần Thơ (PC Cần Thơ) đưa ra cảnh báo, không chạm vào chỗ đang có điện trong nhà như: Ổ cắm điện, cầu dao, cầu chì không có nắp đậy; chỗ tróc vỏ bọc cách điện của dây dẫn điện; chỗ nối dây; dây điện trần… Khi thấy dây dẫn điện kéo vào nhà mình bị chạm vào tường, chạm vào cây xanh, chạm vào các vật liệu khác mà không có sứ cách điện thì không được đụng đến mà ngay lập tức phải thông báo ngay với đơn vị Điện lực các huyện, thị xã, thành phố đang quản lý, vận hành lưới điện trong khu vực để kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa xảy ra chạm, chập, rò phóng điện. Dây dẫn điện đi xuyên tường vào nhà phải đặt trong ống nhựa hoặc ống sứ thì phải đặt sao cho nước không đọng lại trong ruột ống. Phải lắp cầu dao hay Aptomat ở đầu đường dây điện chính trong nhà, ở đầu mỗi nhánh dây phụ và lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để ngắt dòng điện khi có chạm chập, ngăn ngừa phát hỏa do chập điện. Cầu dao, cầu chì, Aptomat, công tắc, ổ cắm trong gia đình phải đặt nơi khô ráo và thuận tiện cho việc sử dụng. Tại các hộ sử dụng điện có trẻ nhỏ hoặc nằm trong vùng có thể bị ngập nước, các thiết bị trên còn phải đặt cách mặt đất ít nhất 1,4m.
Người dân không tự ý sửa chữa điện của gia đình nếu không có kiến thức về điện, mà phải nhờ hoặc báo cho nguời có chuyên môn về điện đến sửa chữa. Chỉ được sửa chữa điện trong nhà sau khi đã cắt điện, chân tay khô ráo và đi giày hoặc dép khô. Không đóng cầu dao (hoặc Aptomat), bật công tắc điện khi tay ướt, chân không mang dép, đứng nơi ẩm ướt. Khi sử dụng các công cụ điện cầm tay (như máy khoan cầm tay, máy mài cầm tay…) phải mang găng tay cách điện hạ thế để không bị điện giật khi công cụ điện bị rò điện. Nên nối đất vỏ kim loại các thiết bị điện trong nhà như: vỏ tủ lạnh, vỏ máy nước nóng, vỏ máy bơm nước, máy giặt,… để không bị điện giật khi thiết bị điện bị rò điện ra vỏ.
Khi sửa chữa hoặc thay thế các cầu dao, cầu chì bằng các thiết bị đóng ngắt điện an toàn; thường xuyên kiểm tra dây dẫn điện trong nhà để có thể sửa chữa, thay thế kịp thời các dây dẫn bị hỏng hóc; khi sử dụng điện để thắp sáng phải dùng phích cắm điện hoặc công tắc, không được dùng kim băng câu móc hoặc đấu trực tiếp vào dây dẫn mà không có băng keo cách điện, các bóng đèn chiếu sáng phải có chui đèn; thay thế các trụ gỗ đỡ dây dẫn điện bằng các trụ bê tông đúc sẵn; không được tự ý kéo dây dẫn sau công tơ về đến nhà mà phải có sự phối hợp với Điện lực các huyện, thị xã, thành phố nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng điện. Các thiết bị điện, đồ dùng điện, cầu dao điện, Aptomat, công tắc, ổ cắm điện… bị hư hỏng phải sửa chữa, thay thế ngay để người sử dụng không chạm phải các phần dẫn điện gây điện giật. Các tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp các máy rút tiền ATM phải thường xuyên kiểm tra hệ thống cấp điện, tiếp địa, dây dẫn điện, các điểm nối để kịp thời khắc phục, sửa chữa khi có hiện tượng rò rỉ điện.
Không đứng dưới cột điện khi trời mưa hoặc lúc có giông sét; không tự ý leo lên cột điện hoặc vượt qua hàng rào trạm điện, chạm người vào dây chằng cột, dây nối đất, thùng điện kế, thùng cầu dao,… để đề phòng điện giật do rò điện khi trời mưa, giông, bão; không tự ý tháo dỡ, sửa chữa các kết cấu của công trình điện; không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè,… trong vùng ngập, lụt có đường dây điện sát với mặt nước để tránh bị phóng điện gây tai nạn. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện. Khi người hoặc chân tay bị ướt không được tiếp xúc với điện; các thiết bị điện bị ngấm nước, phải sấy khô mới được sử dụng. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần và cảnh báo cho mọi người chung quanh, đồng thời báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện. Nếu phát hiện có những điểm không đảm bảo an toàn (như tróc vỏ cách điện, các mối nối bị hở,…), nên báo ngay cho Điện lực nơi sở tại. Nếu phần hư hỏng nằm phía sau đồng hồ điện thì bắt buộc phải cắt cầu dao điện chính rồi mới tiến hành sửa chữa.
Khi thấy trụ điện ngã đổ hoặc dây điện đứt, rơi xuống thì không được đến gần, cầm, nắm vào dây điện và ngăn ngừa không cho người khác (kể cả súc vật) đến gần. Nên tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết; lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ... và báo ngay cho Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam số điện thoại: 1900 1006 và gọi đến số 114 (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy- Cứu nạn, cứu hộ thành phố) khi có tai nạn điện xảy ra.
Công Lực - PC TP Cần Thơ
Theo evnspc.vn