Năm 2025, tròn 80 năm kể từ khi những tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện Ankroet bắt đầu đón những dòng nước bạc. 80 năm ấy, những thế hệ người thợ điện đã và đang trưởng thành cùng nhà máy thủy điện đầu tiên trên mảnh đất phương Nam.
NHỮNG THẾ HỆ THỢ ĐIỆN TIẾP NỐI
Ông Phạm Văn Cường đã bước sang tuổi 75, là một trong những người thợ gắn bó lâu dài với Nhà máy Thủy điện Ankroet, cho biết, thế hệ của ông là thế hệ thứ hai, sau những người thợ lớp đầu tiên, những người đã xây dựng từng viên đá đặt móng của nhà máy thủy điện. Với ông, Ankroet như biểu tượng của ngành điện Lâm Đồng, vượt qua khó khăn, vượt qua thử thách để mỗi ngày vươn lên.
Một trong những người thợ đầu tiên, người đã tham gia xây dựng Nhà máy Thủy điện Ankroet là cụ Nguyễn Văn Thương. Từ những năm 1943,1944, anh thanh niên Nguyễn Văn Thương đã tham gia xây dựng nhà máy, sau đó được đào tạo để trở thành công nhân vận hành máy. Cụ Nguyễn Văn Thương đã sống, gắn bó với nhà máy, lập gia đình, sinh những người con ngay tại khu cư xá công nhân. Đặc biệt, những người con trai của cụ Nguyễn Văn Thương nối tiếp nghề truyền thống của cha, cũng trở thành những người thợ điện. Trong đó, có ông Nguyễn Văn Thuận, người đã sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời với Nhà máy Thủy điện Ankroet. Ông Nguyễn Văn Thuận đã ở tuổi gần 60 và có thể nói, cả 60 năm cuộc đời của ông gắn bó với nhà máy thủy điện này.
Bắt đầu làm quen với Nhà máy Thủy điện Ankroet từ năm 1986 trong vai trò Quản đốc phân xưởng Thuỷ điện Suối Vàng - Nhà máy Thuỷ điện Ankroet, ông Phạm Văn Cường không thể quên giai đoạn chuyển mình của nhà máy. Khi xây dựng, Nhà máy Thủy điện Ankroet có hai tổ máy, sau đó người Nhật lắp ráp thêm hai tổ máy. Các tổ máy đều theo công nghệ cũ, vận hành thủ công, các công tác quản lý đều chạy bằng sức người. “Tới những năm 1980, thiết bị đã già nua, cũ kỹ, máy phát hay bị chập điện, nổ cháy... Nhưng những người thợ điện chúng tôi, cả những người thợ già như bác Thương hay những người thợ trẻ lúc đó như tôi đều cố gắng duy trì, khắc phục để nhà máy hoạt động”, ông Phạm Văn Cường nhớ lại. Hồi đó, Đà Lạt sử dụng điện từ Thủy điện Đa Nhim, Thủy điện Ankroet cộng thêm nhà máy Diesel trong nội thành. Công suất thấp, hay hỏng hóc nên rất thiếu điện.
ĐỔI THAY TRONG DÒNG CHẢY NGÀNH ĐIỆN
Trong sự thay đổi như vũ bão của ngành điện, năm 1999, Nhà máy Thủy điện Ankroet tiến hành phục hồi, cải tạo. Ba tổ máy mới được lắp đặt, thay thế cho những tổ máy cũ. Tới năm 2004, việc nâng cấp được hoàn thành, các máy móc hiện đại thay thế cho những tổ máy cũ, việc điều khiển chuyển từ thủ công sang tự động hoàn toàn.
Ông Trần Ngọc Vĩnh Phúc, hiện đang giữ vai trò Quản đốc Phân xưởng Thủy điện Suối Vàng, Nhà máy Thủy điện Ankroet chia sẻ: “Trong quá trình thay đổi công nghệ, cải tạo, lắp đặt máy mới, những tổ máy cũ của Nhà máy Thủy điện Ankroet được chuyển về bảo tàng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như trưng bày ngay trong khuôn viên của nhà máy, như minh chứng cho quá trình phát triển lâu dài và bền bỉ của ngành điện. Thay đổi công nghệ, đồng thời chúng tôi cũng tiến hành đào tạo con người. Những người thợ điện trong Nhà máy Thủy điện Ankroet cũng cập nhật những kĩ thuật mới, tiên tiến hiện đại, tự động hóa, giúp nhà máy hoạt động an toàn, công suất cao”, ông Trần Ngọc Vĩnh Phúc chia sẻ. Hiện nay, thợ điện đang làm việc tại Nhà máy Thuỷ điện Ankroet có rất nhiều người trẻ.
Anh Tống Hồ Huy, một trong những người thợ trẻ cho biết, khi vào làm việc tại nhà máy, anh đã được những bác, chú đi trước chỉ dạy kinh nghiệm. Cùng với kiến thức hiện đại được học từ trường lớp, những kinh nghiệm quý báu của người thợ già đã giúp công việc của anh Huy thuận lợi, giúp Nhà máy Thủy điện Ankroet đảm bảo vận hành an toàn, đáp ứng được yêu cầu của công ty.
Ngay trong khuôn viên Nhà máy Thủy điện Ankroet còn vô vàn những dấu tích gắn với thuở đầu tiên của nhà máy. Cây khuynh diệp cổ thụ được trồng để lấy lá chiết xuất tinh dầu, chống lại mùa mưa lạnh giá giữa rừng. Gian nhà cũ được xây cho gia đình những người thợ. Nơi an nghỉ cuối cùng của những người thợ hi sinh trong quá trình xây dựng nhà máy thủy điện. Tấm bia tưởng niệm… Tất cả đều nhắc lại, ghi dấu một thời gian khổ của những người thợ điện Ankroet. “Phân xưởng Thủy điện Suối Vàng - Nhà máy Thủy điện Ankroet đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2000. Đây là niềm vui của chúng tôi và cũng là niềm vui chung của người lao động ngành điện Lâm Đồng”, ông Phạm Văn Cường tự hào. Suốt 80 năm hình thành và phát triển, Nhà máy Thủy điện Ankroet đã đóng dấu son vào lịch sử ngành điện Việt Nam cũng như ngành điện Lâm Đồng, dấu son của một công trình điện đầu tiên được xây dựng trên mảnh đất phía Nam, của những tháng năm vất vả, sự thay đổi, hiện đại hóa trong ngành điện, tiến kịp với sự phát triển chung của đất nước./.