Bắt đầu bước vào mùa mưa bão, Công ty Điện lực Đồng Tháp (PCĐT) tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn điện, kiểm tra và củng cố lưới điện, tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện an toàn trong nhân dân.
Hiện nay, bắt đầu vào mùa mưa bão nên có nguy cơ xảy ra sự cố và tai nạn điện. Do vậy, PCĐT tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn điện nhằm hạn chế rủi ro và ngăn ngừa xảy ra tai nạn điện khi mưa bão, giông lốc.
Không chủ quan với điện
Gần đây, một trận dông lốc kèm mưa lớn đã quét qua địa bàn xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp làm gần 20 căn nhà bị tốc mái, nhiều tấm tol bay vướng vào đường dây điện cao thế làm gãy 2 trụ điện trên tuyến Quốc lộ 54. Sự cố này làm phát ra nhiều tia lửa điện và tiếng nổ, khiến người dân hốt hoảng, may mắn là không có thiệt về người.
Ông Huỳnh Văn Cuộc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, huyện Lai Vung cho hay, 2 trụ điện bị gãy, ngã ra Quốc lộ 54. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong khu vực cũng như người đi đường, Chính quyền xã nhanh chóng thông báo cho ngành điện lực và kịp thời cắt điện. Sau đó, lực lượng công an, quân sự địa phương điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Ngành điện lực cố gắng đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố gãy trụ điện và sớm cung cấp điện cho người dân trong khu vực.
Qua vụ việc trên cho thấy, việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tai nạn điện vào mùa mưa bão là hết sức cần thiết. Trước tình hình đó, Công ty Điện lực Đồng tháp tăng cường các giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở người dân không chủ quan trong quá trình sử dụng điện, kiểm tra hệ thống dây điện trong nhà để kịp thời sửa chữa, thay mới nếu hư hỏng; lắp và kiểm tra hoạt động của cầu dao chống giật; phối hợp cùng địa phương phát quang hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Anh Nguyễn Hoàng Khanh, Nhân viên quản lý, vận hành lưới điện Điện lực Thanh Bình chia sẻ, anh thường xuyên tham gia kiểm tra khiếm khuyết lưới điện để báo cáo cấp trên, xử lý kịp thời nhằm đảm bảo sử dụng điện an toàn, liên tục trên địa bàn. Điện lực Thanh Bình duy trì thường xuyên công tác phát quang hành lang an toàn lưới điện cao áp, nhất là vào mùa mưa bão.
Ông Nguyễn Thanh Long ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình cho hay, mùa mưa bão thường có gió mạnh, nguy cơ cao cây xanh va quẹt, ngã đổ vào đường dây điện, rất nguy hiểm. Vì vậy, mùa mưa đến, ông thường cắt tỉa cây xanh ở gần dây điện cho gọn gàng. Khi chặt mé cây, nếu nhận thấy có nguy cơ cây ngã vào đường dây điện sẽ liên hệ, phối hợp với ngành điện lực thực hiện để đảm bảo an toàn.
Theo Công ty Điện lực Đồng Tháp, bên cạnh những lợi ích dùng điện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh thì những nguy cơ xảy ra tai nạn điện cũng luôn tiềm ẩn trong quá trình sử dụng điện, nếu người sử dụng chưa am hiểu kiến thức về an toàn sử dụng điện. Qua thống kê, 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra 7 vụ tai nạn điện, làm 8 người tử vong. Đa số trường hợp tử vong đều do bất cẩn trong quá trình sử dụng, bị điện giật.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp Lê Văn Chí cho biết: Hiện nay, vào mùa mưa bão nên vấn đề phòng ngừa tai nạn điện càng cần được tuyên truyền sâu rộng. Để hạn chế rủi ro và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn điện, Công ty Điện lực Đồng Tháp tăng cường kiểm tra và củng cố lưới điện, tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng điện an toàn trong nhân dân. Người dân cần cẩn trọng và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những biện pháp đảm bảo an toàn điện, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ mưa bão, ngập lụt, thiên tai. Khi có các vấn đề về điện, dịch vụ điện, người dân cần gọi ngay tới tổng đài chăm sóc khách hàng 19001006, 19009000 của Tổng công ty Điện lực miền Nam để được hỗ trợ.
Những khuyến cáo cần lưu ý
Hiện nay, lưới điện trong tỉnh Đồng Tháp đã được đầu tư và phát triển với khối lượng rất lớn, trải khắp đến các vùng nông thôn, vùng xa. Toàn tỉnh có 87,58 km đường dây điện 220kV, 2 Trạm biến áp 220kV; hơn 263 km đường dây điện 110kV, 11 Trạm biến áp 110kV; lưới điện hạ áp (220V/380V) có chiều dài 5.535 km. Lưới điện 22kV dài 4.056 km, 12.516 trạm biến áp với tổng dung lượng 2.071 MVA. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tỷ lệ sử dụng điện ở khu vực thành thị đạt 99,99%, khu vực nông thôn đạt 99,98%.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp Lê Văn Chí khuyến cáo, để đảm bảo an toàn điện, cần kiểm tra hệ thống điện trước mùa mưa bão, khắc phục ngay những khiếm khuyết của hệ thống điện sau điện kế có nguy cơ gây sự cố, tai nạn như: thay trụ, thay dây dẫn, bọc cách điện mối nối, bảo trì thiết bị điện, đốn mé cây xanh đè lên dây điện… Hộ sử dụng điện nên lắp cầu dao chống giật và kiểm tra còn hoạt động tốt hay không, để khi bị chạm rò điện thì thiết bị này sẽ tự động cắt nguồn điện, ngăn ngừa tai nạn.
Việc kéo dây điện sau công tơ (đồng hồ điện) chính phải đi trên trụ chắc chắn, có sứ ống chỉ và cách mặt đất từ 4 m trở lên. Trường hợp kéo dây vượt đường giao thông thì phải cao 6m trở lên; không đi dây dưới đất, dưới nước, lắp vào cây xanh; chọn dây phù hợp công suất, bề mặt cách điện của dây dẫn tốt, chịu được lực căng cơ học; đảm bảo chắc chắn khi có mưa giông, gió lốc. Lắp tiếp đất thiết bị điện; đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà… nên lắp ở vị trí cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt điện riêng từng khu vực có tính năng chống rò điện.
Ông Nguyễn Thành Bảo, Giám đốc Điện lực Thanh Bình lưu ý, người sử dụng điện cần ngắt nguồn điện (cúp cầu dao, CB) nếu trong nhà nhà bị ngập nước hoặc bị mưa dột làm ướt sàn; nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi mưa to, gió lớn; lắp kim thu sét, nối đất khung sắt, mái tôn. Người dân cần liên hệ, phối hợp với điện lực gần nhất để chặt tỉa cây xanh có khả năng ngã đổ vào đường dây điện, dọn dẹp hành lang an toàn lưới điện; gia cố công trình, mái tôn… gần đường dây điện cho chắc chắn đề phòng bay vào lưới điện gây sự cố và tai nạn điện khi có dông lốc.
Bên cạnh đó, người dân cần tránh việc đứng gần cột điện, trạm biến áp, các dây nối đất thoát sét, dưới đường dây điện khi trời mưa hoặc lúc có dông sét; không di chuyển bằng tàu, thuyền trong vùng ngập lụt có đường dây điện gần với mặt nước để tránh bị phóng điện; không mang vác, lắp dựng cây, cột bằng kim loại, cột ăng ten ti vi, cây gỗ tươi gần đường dây điện lúc mưa to, gió lớn.
Khi có sự cố thiên tai xảy ra, người dân phải ngắt nguồn điện vào nhà. Sau giông lốc, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống dây dẫn và thiết bị điện trong nhà để khắc phục đứt dây, hay xước hỏng vỏ dây điện trước khi đóng lại cầu dao. Không biết tuyệt đối không làm, nếu gặp bất cứ sự cố nào về điện mà thấy không an toàn thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý./.