Ngày 30/05/2025, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 08/2025/TT-BXD (TT08), sửa đổi và bổ sung một số quy định quan trọng về định mức xây dựng tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD. Chính thức từ ngày 15/07/2025, TT08 không chỉ là một cập nhật định kỳ mà còn mang tính chiến lược, giải quyết nhiều vướng mắc, đặc biệt trong khâu xác định chi phí lập Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật (BCKTKT), đồng thời đảm bảo sự thống nhất với các quy định pháp luật liên quan mới ban hành, như Nghị định 175/2024/NĐ-CP.
Bối cảnh và sự cấp thiết của việc ban hành Thông tư mới
Trong gần 4 năm triển khai Thông tư số 12/2021/TT-BXD, ngành xây dựng nói chung và lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình điện nói riêng đã chứng kiến nhiều đổi mới về công nghệ, vật liệu và phương pháp thi công. Nhiều hạng mục công việc phát sinh trong các dự án của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) chưa có định mức, hoặc định mức hiện tại chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn, gây khó khăn cho công tác lập và thẩm định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu và quản lý chi phí.

Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới, điển hình là Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về quản lý hoạt động xây dựng, cũng đòi hỏi sự điều chỉnh tương ứng trong hệ thống định mức chi phí để đảm bảo tính đồng bộ. TT08 ra đời là để giải quyết những yêu cầu này, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn, hỗ trợ EVNSPC và các đơn vị liên quan nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư.
Những điểm thay đổi cốt lõi trong TT08
TT08 mang đến những điều chỉnh và bổ sung sâu rộng, có tác động trực tiếp đến hoạt động của các đơn vị trong EVNSPC. Cập nhật hệ thống định mức dự toán xây dựng công trình, bổ sung đa dạng mã định mức mới là nội dung chiếm phần lớn các thay đổi, bao gồm nhiều công tác thiết yếu trong xây dựng công trình điện. Đáng chú ý là các định mức mới cho đào đất trong khung vây trên cạn bằng thủ công và vận chuyển cát bằng sà lan tự hành.
Công tác thi công cọc, bổ sung định mức cho việc ép và nhổ cừ Larsen, cừ ván thép bản rộng bằng búa rung 60kW và đặc biệt là thi công cọc xi măng đất với hàm lượng xi măng 180kg/m3, đường kính D1800mm bằng công nghệ RAS, rất quan trọng cho các dự án trạm biến áp, đường dây 110kV.

(ảnh: ĐD).
Công tác thi công kết cấu bê tông và cốt thép có hàng loạt định mức mới được bổ sung như: việc đổ bê tông tường chắn, tường và mái cống hộp, hầm chui dân sinh bằng cần cẩu hoặc máy bơm; gia công lắp đặt cốt thép và ván khuôn cho các cấu kiện. Những cập nhật mới này giúp tính toán chi phí chính xác hơn cho các hạng mục mương cáp, hầm cáp và các kết cấu phụ trợ của trạm biến áp.
TT08 cũng điều chỉnh định mức cho các công tác như bê tông mặt đường và phòng chống mối bằng công nghệ Termimesh/TermSteel để phù hợp hơn. Loại bỏ 02 mã định mức không còn phù hợp như nhổ cừ Larsen bằng búa rung 170kW và ép, nhổ cọc cừ Larsen bằng máy ép thủy lực 130T.
Điểm đáng chú ý là việc bổ sung trọng lượng đơn vị cho "cát ướt có lẫn nước trong cát". Theo đó, trọng lượng này được xác định trong khoảng 1.605÷1.750kg/m3 trên sà lan hoặc tàu sau khai thác, dùng cho công tác vận chuyển cát. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các Ban QLDA, các Công ty Điện lực trong việc tính toán chính xác khối lượng và chi phí vận chuyển vật liệu cát, đặc biệt cho các dự án ở vùng sông nước.
Cập nhật định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, giải pháp cho chi phí lập BCKTKT là một trong những sửa đổi mang tính tháo gỡ then chốt. Trước đây, Thông tư 12/2021/TT-BXD quy định định mức chi phí lập BCKTKT chỉ áp dụng cho các dự án có chi phí xây dựng và thiết bị dưới 15 tỷ đồng. Trong khi đó, Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024, đã mở rộng phạm vi các dự án chỉ cần lập BCKTKT là các Dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư không quá 20 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất), trừ dự án đầu tư xây dựng công trình di sản văn hoá thực hiện theo pháp luật về di sản văn hoá.
Sự khác biệt này đã tạo ra một "khoảng trống" pháp lý, TT08 đã giải quyết triệt để vấn đề này thông qua thay thế 2 nội dung mới. Thứ nhất, áp dụng cho các dự án (bao gồm dự án tôn giáo; dự án mới, cải tạo, nâng cấp) có tổng mức đầu tư không quá 20 tỷ đồng. Các mốc chi phí trong phần này được điều chỉnh lên đến 20 tỷ đồng, hoàn toàn phù hợp với Điểm b, Khoản 3, Điều 5 của Nghị định 175/2024/NĐ-CP. Thứ hai, áp dụng cho các dự án đầu tư xây dựng nhóm C nhằm mục đích bảo trì công trình xây dựng. Nội dung này cung cấp định mức cho chi phí xây dựng lên đến 240 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu xác định chi phí cho các dự án bảo trì quy mô lớn của ngành điện theo Điểm c, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 175/2024/NĐ-CP.
Những điều chỉnh này đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất, giúp các Ban chuyên môn EVNSPC, Ban QLDA, Công ty Tư vấn Điện miền Nam và các Công ty Điện lực có cơ sở pháp lý vững chắc để xác định chi phí tư vấn.
Quy định chuyển tiếp – Hướng dẫn áp dụng cho EVNSPC
Điều 2 của TT08 nêu rõ, việc chuyển tiếp áp dụng các định mức sửa đổi, bổ sung sẽ tuân theo quy định tại khoản 8 Điều 44 của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP. Đây là điểm cực kỳ quan trọng mà tất cả các đơn vị trong EVNSPC cần nắm vững. Tổng mức đầu tư và Dự toán xây dựng đã được thẩm định/phê duyệt trước ngày 15/7/2025 không bắt buộc điều chỉnh. Tuy nhiên, các bước tiếp theo phải cập nhật theo định mức mới tại TT08.

đối với việc tính toán chính xác khối lượng và chi phí vận chuyển vật liệu cát, đặc biệt cho các dự án ở vùng sông nước (ảnh: ĐD).
Với gói thầu xây lắp, chưa phát hành HSMT/HSYC trước 15/7/2025 thì chủ đầu tư phải cập nhật dự toán gói thầu theo định mức mới. Nếu đã phát hành nhưng chưa đóng thầu thì chủ đầu tư xem xét quyết định cập nhật. Đã đóng thầu, tiếp tục thực hiện theo hồ sơ mời thầu đã ban hành. Trường hợp điều chỉnh, chủ đầu tư/người quyết định đầu tư có quyền cập nhật, phê duyệt lại tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng hoặc giá gói thầu theo thẩm quyền nếu cần thiết.
TT08 là một văn bản pháp lý quan trọng, mang tính cập nhật và tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Các Ban chuyên môn EVNSPC, 02 Ban Quản lý dự án, Công ty Tư vấn Điện miền Nam và các Công ty Điện lực chủ động, khẩn trương nghiên cứu, nắm bắt và triển khai đồng bộ các quy định mới sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo tính tuân thủ, tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư và góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của EVNSPC./.